Kon Tum là một tỉnh thuộc vùng cực bắc Tây Nguyên của Việt Nam, có vị trí địa lý nằm ở ngã ba Đông Dương, phần lớn nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn. Kon Tum cũng là tỉnh có diện tích lớn thứ 8 trong 63 Tỉnh thành Việt Nam.
Phong cảnh thiên nhiên suối rừng trong thung lũng huyện Đăk Glei
Đập và hồ thủy điện Yaly vị trí giáp ranh với tỉnh Gia Lai
Về nguồn gốc tên gọi "Kon Tum", theo ngôn ngữ Ba Na thì Kon là làng, Tum là hồ, chỉ tên gọi một ngôi làng gần một hồ nước cạnh dòng sông Đăk Bla mà hiện nay là làng Kon Kơ Nâm ở thành phố Kon Tum.
Vùng đất Kon Tum ngày xưa là vùng đất hoang vắng, đất rộng, người thưa với sự sinh sống của các dân tộc bản địa gồm Xơ Đăng, Bana, Gia Rai,Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm. Mỗi dân tộc gắn với một vùng cư trú khác nhau. Thiết chế xã hội cổ truyền của người dân bản địa nơi đây là tổ chức làng (kon), mang tính biệt lập, do một già làng là người có uy tín nhất trong làng, đứng đầu[3]. Đất rộng người thưa, cách biệt với bên ngoài bởi rừng rậm và núi non hiểm trở, các làng bản địa là những xã hội thu nhỏ, chưa có một chính quyền liên minh trong khi chính quyền các quốc gia hùng mạnh xung quanh như Đại Việt, Chân Lạp, Chiêm Thành, Vạn Tượng chưa vươn tầm kiểm soát đến đây.
Tuy nhiên, do vị trí vùng đệm giữa Chiêm Thành và Chân Lạp, các bộ tộc tại Kon Tum thường trở thành mục tiêu các cuộc cướp bóc và buôn bán nô lệ. Mãi đến thế kỷ 12, sau khi đánh bại được Chân Lạp, Chiêm Thành mới toàn quyền ảnh hưởng trên toàn vùng Tây Nguyên, đặc quyền đô hộ lên vùng này.
Năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành, đẩy lùi chính quyền Chiêm Thành về phía Nam (tương ứng vùng từ Khánh Hòa đến Bình Thuận ngày nay), đã cử các sứ thần thu phục các bộ tộc ở Tây Nguyên và sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ của Đại Việt.
Mặc dù vậy, do chủ yếu tập trung thiết lập chính quyền trên các vùng đất mới ở duyên hải, triều đình Đại Việt chưa thực sự thiết lập quyền kiểm soát. Các cư dân bản địa vẫn được tự trị và hòa hợp hơn với người Kinh, vốn chịu ảnh hưởng văn hóa lên án việc cướp bóc và bắt nô lệ. Các quan viên được bổ chức trấn nhậm, chủ yếu chỉ mang tính hình thức khẳng định chủ quyền. Năm 1540, triều đình Lê Trung hưng từ bổ Bùi Tá Hán làm tuần tiết xứ Nam - Ngãi được kiêm quản luôn cả các dân tộc miền núi (Trung Sơn - Tây Nguyên).
Mãi đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn (1771-1786), ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cử nhiều sứ giả đến tăng cường quan hệ hợp tác đồng minh với các bộ tộc vùng này nhằm tạo một hậu cứ vững chắc làm bàn đạp tiến xuống duyên hải, đồng thời mộ quân và tài lực phục vụ cho chiến tranh.
Thời Thiệu Trị, năm 1840, triều đình Huế cho lập Bok Seam, một người Bana làm quan cai trị các bộ tộc Tây Nguyên, đồng thời cho phép người Kinh và bộ tộc được phép tự do quan hệ mua bán, trao đổi.
Trong thời gian này, các giáo sĩ Thiên chúa giáo cũng tìm cách mở đường lên cao nguyên để truyền đạo, trong đó có cả Kon Tum. Lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam ghi nhận, sau chuyến mở đường năm 1848, 2 linh mục Pháp và 7 thầy giảng người Việt đã đến Kon Tum và đặt cơ sở tôn giáo tại đây vào năm 1850. Hai trong 4 trung tâm truyền giáo đầu tiên được đặt ở vùng Kon Tum ngày nay: Kon Kơ Xâm (do linh mục Combes phụ trách, truyền giáo bộ tộc Bahnar-Jơlơng) và Kon Trang (do linh mục Dourisboure phụ trách, truyền giáo bộ tộc Xơ Đăng).
Sau khi nắm được toàn quyền thực dân ở Đại Nam, người Pháp bắt đầu mở rộng quyền kiểm soát và tiến lên khai thác vùng Tây Nguyên. Năm 1888, một nhà phiêu lưu người Pháp là Mayréna xin phép chính quyền Pháp đi thám hiểm khu vực Tây Nguyên để thỏa thuận với các dân tộc thiểu số ở đây và được Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Ernest Constans chấp thuận. Bằng các tiểu xảo, Mayréna đã thu phục được một số bộ tộc thiểu số (cụ thể là hai dân tộc Ba Na và Xơ Đăng) và thành lập ra Vương quốc Sedang với Mayréna làm vua, lấy hiệu là Vua Marie đệ nhất, vua Sedang. Thủ đô của Vương quốc Sedang tại làng Long Răng, hiện nay là làng Kon Gu, xã Ngok Wang, huyện Đắk Hà tỉnh Kon Tum, lấy tên là Pelei Agna hay thành phố vĩ đại, một số nguồn nói rằng tên thủ đô của vương quốc Sedang là Maria Pelei.
Sau đó, Mayréna quay về Quy Nhơn và thuyết phục chính quyền thực dân Pháp mua lại vương quốc Sedang. Sau khi Pháp từ chối đề nghị này, Mayréna sang Hồng Kông với ý định bán lại vương quốc Sedang cho người Anh. Nhân dịp này, công sứ Quy Nhơn Guiomar đã tìm cách ngăn chặn Mayréna trở về, đồng thời đặt quyền kiểm soát Tây Nguyên, dưới quyền công sứ Quy Nhơn. Năm 1892, chính quyền thực dân Pháp cho đặt tòa đại lý hành chính Kon Tum, do một giáo sĩ người Pháp là Vialleton (tên Việt: Truyền) phụ trách, trực thuộc tòa công sứ Bình Định.
Ngày 4 tháng 7 năm 1904, chính quyền thực dân Pháp thành lập tỉnh Plei Ku Der, do một công sứ Pháp là Leon Plantié nắm quyền cai trị, gồm hai tòa đại lý hành chính mơi thành lập là Kon Tum (trước đây thuộc Bình Định) và Cheo Reo (trước đây thuộc Phú Yên). Ngày 25 tháng 4 năm 1907, chính quyền thực dân Pháp lại bãi bỏ tỉnh Plei Ku Der. Toàn bộ đất đai của tỉnh Plei Ku Der gồm hai tòa đại lý hành chính Kon Tum và Cheo Reo được sáp nhập trở lại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên như trước đó. Ở tòa đại lý Kon Tum, viên đại lý đầu tiên là Guenot.
Cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia
Ngày 9 tháng 2 năm 1913, chính quyền thực dân Pháp chính thức thành lập tỉnh Kon Tum, bao gồm đại lý hành chính Kon Tum tách ra từ Bình Định, đại lý hành chính Cheo Reo tách ra từ Phú Yên, và đại lý hành chính Buôn Ma Thuột. Năm 1917, Pháp thành lập tòa đại lý hành chính An Khê, gồm huyện Tân An và khu vực người dân tộc thiểu số đặt dưới quyền cai trị của công sứ Kon Tum. Ngày 2 tháng 7 năm 1923, thành lập tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở tách đại lý Buôn Ma Thuột khỏi tỉnh Kon Tum.
Ngày 3 tháng 12 năm 1929, thị xã Kon Tum được thành lập, trên thực tế chỉ là thị trấn, gồm tổng Tân Hương và một số làng dân tộc thiểu số phụ cận. Ngày 25 tháng 5 năm 1932, tách đại lý Pleiku ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Pleiku. Đến ngày 9 tháng 8 năm 1943, đại lý hành chính An Khê được tách khỏi tỉnh Kon Tum, sáp nhập vào tỉnh Pleiku. Lúc này tỉnh Kon Tum chỉ còn lại tổng Tân Hương và toàn bộ đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 3 tháng 2 năm 1929, theo nghị định của Khâm sứ Trung Kỳ, tổng Tân Hương được lập thành thị trấn Kon Tum, từ đó thị trấn Kon Tum trở thành tỉnh lị của tỉnh Kon Tum.
Sau Cách mạng tháng 8, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức lại tỉnh Kon Tum thành 4 đơn vị hành chính gồm các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Konplong và thị xã Kon Tum. Ngày 26 tháng 6 năm 1946, người Pháp tái chiếm lại Kon Tum và sau đó trao lại quyền kiểm soát về danh nghĩa cho Quốc gia Việt Nam (thành lập năm 1949) để thành lập Hoàng triều cương thổ. Trên thực tế, bộ máy cai trị tại đây vẫn trên cơ sở hành chính cũ của người Pháp.
Về phía chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Kon Tum chịu sự quản lý chỉ đạo về hành chính của Xứ ủy Trung Kỳ và Phân ban vận động quốc dân thiểu số Nam Trung Bộ. Tháng 1 năm 1947, Phân khu 15 thành lập, trong đó nòng cốt là tỉnh Kon Tum và các huyện miền Tây của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trên thực tế, tổ chức hành chính của tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên, nhưng chịu sự quản lý và chi phối của Phân khu 15 về hoạt động quân sự. Tháng 8 năm 1947, Khu 15 Tây Nguyên được thành lập, tỉnh Kon Tum là một trong những đơn vị hành chính trực thuộc Khu 15. Tháng 3 năm 1950, theo chủ trương của Liên Khu ủy V, tỉnh Kon Tum và Gia Lai được sáp nhập thành tỉnh Gia - Kon. Tháng 10 năm 1951, theo quyết định của Liên Khu ủy V, tỉnh Kon Tum và các huyện phía tây Quảng Ngãi hợp nhất thành Mặt trận miền Tây. Tháng 2 năm 1954, Kon Tum là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên hoàn toàn đặt dưới quyền kiểm soát của Việt Minh. Một thời gian sau, Mặt trận miền Tây cũng được giải thể.
Dân số tỉnh Kon Tum năm 1967[4] | |
---|---|
Quận | Dân số |
Dak Sut | 9.690 |
Dak To | 20.187 |
Kon Tum | 48.722 |
Tổng số | 78.599 |
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, phía Quốc gia Việt Nam tiếp quản Kon Tum. Năm 1958 dưới thời Việt Nam Cộng hòa, bộ máy hành chính tỉnh Kon Tum được chia thành tòa hành chính Kon Tum - bộ máy hành chính cấp tỉnh, bên dưới gồm các quận Kon Tum, Đăk Tô, Konplong và Đăk Sút.
Năm 1958, Việt Nam Cộng hòa thành lập quận Toumơrông. Năm 1959, tiếp tục lập thêm quận Chương Nghĩa. Năm 1960, quận Konplongbị xóa bỏ. Năm 1961, tỉnh Kon Tum còn lại 4 đơn vị hành chính cấp quận là Kon Tum, Đăk Tô, Đăk Sút, Toumơrông.
Năm 1972, Việt Nam Cộng hòa đổi tên chi khu Đăk Pét thành quận Đăk Sút để mở rộng chức năng về hành chính. Sau chiến dịch xuân - hè năm 1972, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh và đại bộ phận các vùng nông thôn, vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa bị thu hẹp đáng kể.[cần dẫn nguồn] Quận lỵ Đăk Tô phải chuyển về đèo Sao Mai; các chi khu Đăk Pét, Măng Đen, Măng Buk bị cô lập giữa vùng kiểm soát của quân Giải phóng. Lực lượng Việt Nam Cộng hòa chỉ còn tập trung phần lớn tại khu vực thành phố Kon Tum.[cần dẫn nguồn]
Năm 1974, quân Giải phóng tấn công tiêu diệt hoàn toàn các chi khu Đăk Pét, Măng Đen, Măng Buk. Tận dụng thời cơ thắng lớn ở Buôn Ma Thuột, ngày 16 tháng 3 năm 1975, quân giải phóng và dân chúng trong tỉnh đã nổi dậy tấn công vào đầu não của Việt Nam Cộng hòa ở nội thị, chiếm được thị xã và toàn tỉnh Kon Tum.[cần dẫn nguồn]
Tháng 10 năm 1975, tỉnh Kon Tum sáp nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum, trên địa bàn tỉnh có thị xã Kon Tum và 3 huyện: Đắk Glei, Đăk Tô, Kon Plông. Ngày 10 tháng 10 năm 1978, thành lập huyện Sa Thầy.[5]
Ngày 21 tháng 8 năm 1991, tỉnh Kon Tum được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai tỉnh mới là Gia Lai và Kon Tum[6]. Đồng thời, thành lập một số huyện mới như thành lập Ngọc Hồi vào năm 1992[7], Đăk Hà thành lập vào năm 1994[8], huyện Kon Rẫy thành lập vào năm 2002[9], và huyện Tu Mơ Rông thành lập vào năm 2005[10]. Ngày 14 tháng 9 năm 2009, thị xã Kon Tum được nâng cấp lên thành thành phố Kon Tum. Ngày 11 tháng 3 năm 2015, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập huyện Ia H'Drai trên cơ sở tách ra từ huyện Sa Thầy. Tính đến năm 2015, tỉnh Kon Tum có 1 thành phố và 9 huyện[3].
Cảnh quan tại tỉnh Kon Tum
Địa hình Kon Tum chủ yếu là đồi núi, chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh, bao gồm những đồi núi liền dải có độ dốc 150 trở lên[11]. Địa hìnhnúi cao liền dải phân bố chủ yếu ở phía bắc - tây bắc chạy sang phía đông tỉnh Kon Tum, đa dạng với gò đồi, núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau khá phức tạp, tạo ra những cảnh quan phong phú, đa dạng vừa mang tính đặc thù của tiểu vùng, vừa mang tính đan xen và hoà nhập, Kon Tum có độ cao trung bình từ 500 mét đến 700 mét, riêng phía Bắc có độ cao từ 800 mét - 1.200 mét, đặc biệt có đỉnh Ngọc Linh cao nhất với độ cao 2.596 mét[12].
Khí hậu Kon Tum có nét chung của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa của phía Nam Việt Nam, lại mang tính chất của khí hậu cao nguyên. Khí hậu Kon Tum chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô[11]. Trong đó, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm vào khoảng 2.121 mm, lượng mưa năm cao nhất 2.260 mm, năm thấp nhất 1.234 mm, ba tháng 7, 8, 9 có lượng mưa cao nhất. Mùa khô, gió chủ yếu theo hướng đông bắc, nhưng vào mùa mưa, gió chủ yếu theo hướng tây nam. Nhiệt độ có sự chênh lệch đáng kể giữa các khu vực trong tỉnh, khu vực phía Tây Nam mà đặc biệt là huyện Ia H'Drai thời tiết nóng và oi ả hơn các khu vực khác, bên cạnh đó thung lũng thành phố Kon Tum chịu tác động của hiện tượng foehn nên nhiệt độ cao hơn và lượng mưa thấp hơn các vùng khác có cùng cao độ, trong khi đó khu vực phía đông và phía bắc của tỉnh thì thời tiết mát mẻ và ôn hòa hơn (điển hình là cao nguyên Măng Đen).[11]