Chi tiết tin tức

Phát triển du lịch sinh thái và du lịch làng nghề ở Kon Tum

Mặc dù có tiềm năng rất lớn về môi trường sinh thái cũng như sự phong phú về các làng nghề truyền thống nhưng Kon Tum vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có để phục vụ du lịch vì vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc phát triển hai mô hình du lịch này. Đã đến lúc, các ngành chức năng có liên quan phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để khôi phục và thúc đẩy phát triển hai mô hình du lịch trên, góp phần phát triển toàn diện ngành công nghiệp không khói của tỉnh trong tương lai.

 

Du khách rất vui khi được khám phá hệ sinh thái

còn hoang sơ ở Kon Plông.

Những vướng mắc trong việc phát triển du lịch sinh thái 

Là tỉnh có nhiều tiềm năng và hiện nay có khả năng phát triển du lịch lớn trong khu vực Tây nguyên, nhưng sản phẩm du lịch và các dịch vụ phụ trợ cho du lịch hầu như còn bỏ ngõ chưa được các doanh nghiệp du lịch khai thác triệt để. Đa số doanh nghiệp du lịch chưa xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên, nhất là du lịch sinh thái (DLST) là một hoạt động du lịch vừa hay lại vừa khó vì còn mới so với tỉnh. Trình độ năng lực và nghiệp vụ của đội ngũ phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ điều hành, quản lý, phục vụ, hướng dẫn du lịch. Việc tổ chức hệ thống dịch vụ phù hợp phục vụ nhiều loại đối tượng khách du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Riêng hoạt động thanh tra du lịch còn thụ động, dẫn đến cạnh tranh chưa lành mạnh.

 

Do trong thời gian qua ít có những buổi họp mặt giữa nhà quản lý du lịch và nhà doanh nghiệp du lịch để cùng nhau trao đổi thông tin chung. Vì vậy vẫn chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong quản lý cũng như trong kinh doanh du lịch. Chưa có những chuyên gia khoa học hay người có tâm huyết với du lịch sinh thái về tỉnh. Cơ quan chủ quản thiếu sự gắn kết giữa các địa phương với nhau và sự đánh giá còn sơ bộ, thiếu tính thực tế.

 

Đáng lưu tâm nhất là một vài nơi có tiềm năng DLST nhưng lại khai thác chưa đúng hướng, thậm chí mắc sai lầm, như: việc khai thác chương trình tour DLST, sau khi đã lên lộ trình, cung đoạn nhưng đến khi chào bán, để khách biết mà mua chương trình thì cần một thời gian nhất định và lúc khách đến là lúc sinh thái, cảnh quan không còn như lời giới thiệu ban đầu, điều này sẽ gây phản cảm và để lại ấn tượng xấu trong lòng du khách về địa phương nơi mình đi qua…Và điều đáng để nói ở đây của DLST là khi đã mắc sai lầm thì gần như không thể khắc phục để hệ sinh thái trở lại nguyên trạng….

 

Lộ trình DLST thuộc địa phận xã Đăk ruồng là nơi từng

hấp dẫn du khách nhưng nay đã bị chặt phá để làm nương rẫy.

 

Và trong những năm qua, nhiều chương trình du lịch được khai thác trên tìềm năng sẵn có để thu hút nhiều đối tượng khách; các sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ nói chung là đa dạng nhưng còn bị trùng lắp và chưa được khai thác triệt để; các tuyến du lịch, các tour du lịch tương đối đơn điệu, không có sự mới lạ. Các khu, điểm vui chơi giải trí vẫn thiếu vốn đầu tư nâng cấp để tạo nét đặc trưng cho từng vùng. Kinh doanh du lịch trên địa bàn cũng bộc lộ những hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, trình độ đội ngũ cán bộ điều hành, quản lý, phục vụ bất cập so với yêu cầu phát triển hiện nay, chưa ngang tầm, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra của ngành. Đặc biệt, tiềm năng DLST Kon Tum rất lớn nhưng chưa được quy hoạch, khoanh vùng để bảo vệ cụ thể hơn và chưa được các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh đầu tư khai thác bài bản như những nơi khác.

 

Tuy bước đầu nhà nước có đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, đường…nhưng vẫn còn nhỏ so với nhu cầu. Một số doanh nghiệp du lịch còn hạn chế về vốn. việc phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp chưa tạo được sức mạnh chung để cùng nhau khai thác, kinh doanh du lịch còn phát triển tự phát. Hơn thế nữa, những dự án du lịch chưa thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, kể cả vốn của các doanh nghiệp nước ngoài…

 

Những vướng mắc trong việc phát triển làng nghề  

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các làng nghề thủ công truyền thống chịu sự tác động trực tiếp của thị trường. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống làm ra mang tính thủ công, năng suất thấp, giá thành cao, mẫu mã đơn điệu nên dần dần không cạnh tranh nổi với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng thiết bị công nghệ hiện đại. Do vậy mà một số ngành nghề và một số làng nghề nổi tiếng không còn nữa.

Điển hình như sản phẩm thổ cẩm của địa phương

chưa đáp ứng thị hiếu của du khách. Ảnh minh họa

Việc tìm kiếm thị trường, thông tin về thị trường của các làng nghề thủ công truyền thống còn rất hạn chế, đa số thiếu thông tin, việc tiêu thụ hàng hóa và tiếp nhận thông tin thị trường chủ yếu dựa vào các đầu mối bao tiêu sản phẩm và cũng do tính tự phát, tự sản xuất, tự tiêu thụ còn mang nặng trong cách làm, cách nghĩ của chủ cơ sở, năng lực quản lý kinh doanh chủ cơ sở còn yếu…

Những giải pháp về phát triển DLST và phát triển làng nghề     

Trước hết muốn phát triển DLST thì phải phát triển đồng bộ với phát triển làng nghề. Mà việc quy hoạch làng nghề cần phải xây dựng làng nghề theo mô hình của một làng sinh thái, phù hợp theo tiêu chuẩn về: Xã hội/ Cộng đồng - Sinh thái - Văn hóa.

Nếu có sự kết hợp DLST và thăm viếng các làng nghề du khách chung sống với dân, làm cho làng nghề có thêm một chức năng: Chức năng là “điểm đến” của du lịch sinh thái thì DLST mới mạnh lên, phong phú hơn, làng nghề cũng bán được nhiều sản phẩm hơn, thương hiệu được quảng bá rộng hơn, tăng thêm uy tín. Hoặc DLST cũng có thể kết hợp với lịch sử chiến trường xưa…

Ngoài ra để khôi phục và phát triển các ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống đang dần mai một, điều cần thiết là phải tạo dựng thêm nhiều cơ sở hơn nữa để các làng nghề trao đổi thông tin về các hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác liên doanh, đề xuất các ngành chức năng tháo gỡ các khó khăn như ứng dụng chuyển giao công nghệ, thủ tục vay vốn, thủ tục hợp tác hóa nhà xưởng…đồng thời đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng vào sản xuất, đưa internet về các cơ sở làng nghề nông thôn, triển khai mạnh các hình thức cho vay vốn…

Đào tạo kiến thức quản lý cho người quản lý, chủ cơ sở và đào tạo nghề cho thợ, nhất là các nghề khai thác lợi thế của địa phương; có chính sách giữ gìn thợ giỏi, các nghệ nhân để truyền nghề cho lao động ở các làng nghề truyền thống, khuyến khích nghệ nhân sáng tạo sản phẩm mang giá trị truyền thống; hỗ trợ các làng nghề xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường.

Khi quy hoạch xây dựng khu cụm công nghiệp hay tiểu thủ công nghiệp nên dành diện tích phù hợp cho ngành nghề thủ công truyền thống; lựa chọn một số sản phẩm thủ công truyền thống có thế mạnh để phát triển về mặt xuất khẩu và đưa vào danh mục hàng thủ công chủ lực để có chính sách hỗ trợ thích đáng cho phát triển sản xuất, có cơ chế và chính sách chuyển sản xuất tự cung tự cấp thành sản xuất hàng hóa, nhất là những ngành nghề, làng nghề truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc…/.